Nghề giúp nông dân "hái ra tiền" xây nhà cao tầng, mua cả trăm ô tô
(Dân trí) - Xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.300 lao động thường xuyên chẻ lạt, đan mây. Nghề mây tre đan giúp người dân trong xã giàu có, xây được nhà tầng và mua sắm xe hơi.
Nhẹ nhàng kiếm 70 triệu đồng/năm
Về xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh vùng quê trù phú khiến không ít người bất ngờ, ngạc nhiên. Nơi đây, nhà cao tầng mọc san sát, đường làng ngõ xóm rộng thênh, thoáng đãng, ô tô cá nhân khá phổ biến trong làng.
Qua tìm hiểu, người dân xã Hoằng Thịnh chịu thương, chịu khó, "hái ra tiền" từ nghề mây tre đan.

Nhờ làm mây tre đan, nhiều gia đình ở Hoằng Thịnh xây được nhà lớn (Ảnh: Hạnh Linh).
Thống kê của UBND xã Hoằng Thịnh, toàn xã có khoảng 500 hộ, với hơn 1.300 lao động thường xuyên làm nghề mây tre đan. Những ngày hè, số nhân lực làm nghề lên đến 2.000 người. Năm 2024, tổng doanh thu từ sản xuất hàng mây tre đan ở Hoằng Thịnh ước đạt 120 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của địa phương này đạt 70 triệu đồng/năm, thuộc nhóm cao của huyện.
Ông Lê Trọng Phú (54 tuổi, ở thôn Bắc Đoan Vỹ) sinh ra và lớn lên ở làng nghề mây tre đan truyền thống. Từ nhỏ, ông đã cùng người thân trong gia đình chặt, chẻ, vót nan, đan rổ, làm sàng.
Năm 2010, gia đình ông không chỉ sản xuất mà còn mở cơ sở bán nan, thu gom sản phẩm của bà con trong làng nghề.
Theo ông Phú, người xưa có câu "hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan" để nói về sự rẻ rúng, nhọc nhằn của nghề đan lát. Nhưng khi làm, yêu nghề, mới nhận ra sự độc đáo của công việc đầu tư ban đầu không lớn lại có lợi nhuận cao.

Ông Lê Trọng Luyến có nguồn thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng từ nghề mây tre đan (Ảnh: Hạnh Linh).
"Tính bình quân, 1kg nguyên liệu vầu giá 30.000 đồng, có thể làm ra nhiều sản phẩm bán với giá hơn 100.000 đồng", ông Phú dẫn chứng.
Theo ông Phú, vợ chồng ông túc tắc chẻ nan, thu gom hàng cũng kiếm được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận từ nghề mây tre đan đã giúp ông xây nhà, nuôi các con ăn học và sắm được ô tô. Hiện cơ sở của gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ nghề "hái ra tiền"
Theo ông Lê Trọng Luyến (56 tuổi, thôn Bắc Đoan Vỹ), khoảng mười năm trở lại đây, người dân làng nghề đã chia sẻ bí quyết kiếm tiền từ nghề mây tre đan với bà con trong tỉnh.
"Chúng tôi chẻ, vót nan, mây rồi bán và hướng dẫn kỹ thuật đan cho bà con các xã, huyện gần đây. Họ nhận nguyên liệu, mang về nhà làm, sau khi có sản phẩm, người làng nghề Hoằng Thịnh sẽ đến thu gom và nhập cho các đầu mối. Mong rằng, thời gian tới, bà con các nơi biết đến nghề mây tre đan Hoằng Thịnh rộng rãi hơn, để cùng chúng tôi làm giàu", ông Luyến nói.
Ông Luyến cho hay, để có được sản phẩm như ý, người thợ đan phải kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật chẻ nan, đan lát. Nguyên liệu để làm các sản phẩm mây tre đan chủ yếu là nứa, vầu, tre và mây.
Khi chẻ mây, nan cần có tay nghề cao và sự khéo léo, nếu không dễ bị sợi dày, sợi mỏng; sấy mây cần điều chỉnh nhiệt độ, thời gian phù hợp.

Sản phẩm của làng nghề được phơi, sau đó đóng gói cẩn thận rồi xuất đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (Ảnh: Hạnh Linh).
"Chính sự tỉ mỉ trong từng công đoạn sản xuất đã giúp các sản phẩm mây tre đan ở Hoằng Thịnh nổi tiếng với độ bền, tính thẩm mỹ cao và sự linh hoạt trong sử dụng. Đây không chỉ là những vật dụng thông thường mà còn là những sản phẩm nghệ thuật, thể hiện sự tinh tế của người làm nghề", ông Luyến chia sẻ.
Ông Hoàng Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh, cho biết nghề mây tre đan ở xã có từ thời nhà Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX. Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, sức sống của làng nghề vẫn mạnh mẽ, lan tỏa ở khắp các thôn trong xã và các huyện trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 1999 đến nay, các mặt hàng như rổ, rá, sọt đựng hoa quả của làng nghề được cung cấp cho các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) với số lượng hàng triệu chiếc mỗi năm.
Nhờ nghề mây tre đan, hơn 100 hộ dân ở xã đã mua được ô tô. Nghề đan lát cũng giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,3%.
"Ở Hoằng Thịnh, nhờ nghề mây tre đan mà từ trẻ 10 tuổi đến người già gần 80 tuổi vẫn có thể kiếm được 4-6 triệu đồng/người/tháng. Những người có sức khỏe làm được 500.000 đồng/ngày. Làm nghề không chỉ giúp nhiều gia đình có thu nhập cao mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống", ông Minh bộc bạch.